Cách xoay tiền nhanh, làm sao để vay nhiều mà lãi ít hay bí quyết giảm rủi ro tài chính sẽ được tiết lộ tại đây.
1. Cách xoay tiền nhanh cho những trường hợp khẩn cấp
Tới kỳ đóng tiền học cho con nhưng lương chưa về? Bố mẹ dưới quê cần tiền sắm Tết nhưng bạn vừa mới ra trường, đồng lương ốm đói?
Xem 8 bí quyết quản lý tài chính cá nhân tại đây.
Ai rồi cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Thay vì than khóc hận đời, bạn hãy sử dụng những chiêu sau để xoay tiền về túi nhé.
1.1. Mượn người thân hay bạn bè
Nếu bạn là người uy tín trong mắt bạn bè thì cơ hội được mọi người dang tay giúp đỡ rất cao. Ưu điểm của việc nhờ sự trợ giúp từ người thân là vay không lãi (hoặc siêu thấp). Tiền vào túi rốp rẻng, trả trễ vài ngày (có báo trước) thì được du di và mượn được từ nhiều nguồn khác nhau.
1.2. Xin công ty ứng lương trước
Nhiều công ty hay doanh nghiệp không nề hà việc nhân viên xin ứng lương. Dù gì thì đây cũng là tiền của bạn, trước sau cũng vào túi mình. Trường hợp cần tiền gấp, bạn cứ mạnh dạn gặp bộ phận nhân sự hay kế toán để đề xuất.
Ngoài ra, một số công ty tài chính hay ngân hàng còn cho nhân viên vay tiền dựa theo mức lương. Số tiền được vay lên đến vài tháng lương với lãi suất “dễ thương”. Đây được xem là chế độ đãi ngộ để “níu giữ” nhân sự. Bạn có thể sử dụng chế độ này để giải quyết những khó khăn tài chính riêng hay đầu tư.
1.3. Vay tín chấp
Nếu bạn “bít đường” với 2 cách trên thì vay tín chấp sẽ là giải pháp phù hợp và an toàn cho bạn. Để vay tín chấp, bạn đến ngân hàng và nộp hồ sơ đợi xét duyệt, mức cho vay sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng, mức thu nhập của bạn và vay thì phải có lãi. Ưu điểm của cách này là thủ tục không nhập nhằng, không cần tài sản đảm bảo, số tiền vay lên đến vài trăm triệu.
Tuy nhiên, để được xét duyệt hồ sơ, bạn cũng cần đáp ứng một số nhu cầu, đa phần là những thông tin cơ bản như chứng minh bản lương, công dân Việt Nam, có hộ khẩu,… Trong danh sách này, điểm lưu ý là điểm tín dụng (credit score). Yếu tố để có điểm tín dụng đẹp là không có nợ xấu, trả lãi và khoản vay đúng hạn, đúng quy định.

2. Cách xây dựng điểm tín dụng đẹp
Muốn được vay nhanh, vay nhiều thì điểm tín dụng là một trong những yếu tố được xét duyệt. Dù là người chơi hệ “tín dụng” nhiều năm nhưng chưa chắc bạn đã biết số điểm hiện tại của mình, cụ thể thang điểm và các mức rủi ro như sau:

Nếu số điểm của bạn là 300 trở xuống thì bạn sẽ không được ngân hàng cho vay. đến khi nào những khoản nợ cũ được giải quyết.
Số điểm đẹp nhất là 600 trở lên. Với số điểm này, hồ sơ của bạn sẽ được duyệt nhanh chóng cùng lãi suất thấp.
Để tra điểm của mình, bạn có thể đến ngân hàng hoặc tra trực tuyến tại: https://cic.org.vn
Tra xong rồi, lỡ mà điểm chưa cao thì học cải thiện môn với những cách sau:
2.1. Giải quyết những khoản nợ trước
Như tình yêu vậy, muốn có lòng tin thì phải thực hiện những lời hứa và cam kết. Để lấy lại lòng tin của các ngân hàng, bạn cần quyết những khoản nợ trước, tránh việc trả nợ/ lãi chậm trễ.
2.2. Có thời gian nghỉ giữa những khoản vay
Nếu chưa giải quyết nợ trước mà tiếp tục vay, vay tại nhiều ngân hàng hay công ty tài chính khác nhau, thì cũng ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn. Sau khi trả xong một khoản vay, bạn nên nghỉ ngơi 1-2 tháng rồi tiếp tục vay. Như vậy điểm số sẽ được cải thiện.
2.3. Trả nợ đúng hạn và cố định
Việc trả nợ đúng hạn và ngày cố định trong tháng cũng là yếu tố có điểm đẹp. Ví dụ: Nếu ngày 30 hằng tháng là ngày có bảng sao kê thì bạn có thể trả nợ cố định vào ngày 7 hằng tháng.
2.4. Không mở nhiều thẻ trong một thời gian ngắn
Đừng vì những lời chào mời, nhận quà hay voucher giảm giá mà mở nhiều thẻ cùng một lúc. Cầm nhiều thẻ trong tay phần cao thì sẽ khiến bạn có thêm nhiều khoản nợ. Một hai khoản nợ là đủ mệt rồi.
2.5. Sử dụng thẻ tín dụng đúng cách
Có rất nhiều người mở thẻ, quẹt thẻ nhưng không để ý đến những kỳ hạn thanh toán cũng như mức trả tối thiểu. au khi có bảng sao kê, bạn sẽ có tầm hơn hai mươi mấy ngày để chi trả khoản tiêu dùng. Việc cà thẻ sau ngày có bảng sao kê thì bạn sẽ càng có nhiều ngày đề chi trả; ngược lại, thời gian sẽ càng rút ngắn nếu bạn sử dụng thẻ vào ngày cận có bảng sao kê. Ngoài ra, bạn không nhất thiết phải thanh toán hết khoản tiêu dùng mà chỉ cần thanh toán mức tối thiểu mà ngân hàng đặt ra (trong bảng sao kê sẽ có ghi chú khoản này). Tất nhiên nếu không trả hết, bạn sẽ phải chịu một phần lãi.
3. Tận dụng đòn bẩy tài chính
Khi bạn muốn mua căn nhà 4 tỷ nhưng trong túi chỉ có 2 tỷ, rồi bạn đi vay 2 tỷ để mua được căn nhà thì đây là lúc bạn đang sử dụng đòn bẩy tài chính. Đòn bẩy tài chính được sử dụng rất nhiều trong các chiến lược kinh doanh. Hầu như các doanh nghiệp, công ty đều tận dụng mánh này.
Ngoài ra, giữa đòn bẩy tài chính và điểm tín dụng – uy tín tài chính có mối quan hệ với nhau. Những công ty tài chính hay ngân hàng sẽ dựa vào lịch sử vay nợ, trả lãi của bạn để quyết định mức vay cũng như % lãi. Điềm số càng cao, số tiền được vay càng nhiều, lãi càng thấp.

Rủi ro đến từ công cụ này là không thể kiểm soát bởi sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố. Ví dụ, bạn vay 2 tỷ để “lướt sóng” chung cư nhưng chẳng may vì nhiều lý do mà thị trường bất động sản đóng băng, dẫn đến việc bạn không thể sang nhượng hợp đồng, nhưng số tiền lãi đóng cho ngân hàng vẫn ở đó chờ bạn thanh toán.
4. Giảm rủi ro tài chính bằng cách dùng tiền
Rủi ro tài chính là rủi ro gây giảm suất lợi nhuận, mất tiền trong ví. Nguyên nhân có thể đến từ thiên tai, dịch bệnh, thất nghiệp, nằm viện, tai nạn dẫn đến việc phải chi một số tiền lớn,…
Như chủ nghĩa khắc kỷ khái quát cuộc sống làm 3 phần: Những gì ta có thể kiểm soát (hành động và suy nghĩ của bản thân); Những điều ta không thể kiểm soát (những yếu tố tự nhiên và hành động của người khác); Những gì ta có thể kiểm soát một phần (những công việc có sự tham gia của người khác).
Rủi ro tài chính là những gì ta có thể kiểm soát một phần bằng: Đa dạng hóa danh mục đầu tư, có nhiều nguồn thu nhập hoặc mua bảo hiểm.

Việc cầm trong tay thẻ bảo hiểm sức khỏe giúp bạn yên tâm khi vứt bỏ phần nào nỗi lo tiền bạc nếu không may mắc bệnh hoặc gặp tai nạn. Ngoài ra, những tai nạn xe cộ hay mất mát tài sản cũng là một dạng rủi ro vì chúng khiến bạn phải rút hầu bào, dùng tiền để đền bù thiệt hại. Do đó, sắm thêm cho mình một sản phẩm bảo hiểm về tài sản cũng phần nào giúp bạn đứng ngoài một số rủi ro.
Bí mật cuối cùng để xây dựng tài chính hiệu quả chính là giữ gìn sức khoẻ và nhẫn nại với những mục tiêu đặt ra.
Trong một cuốn sách mang tên “Cuốn sách thời gian” có viết: Những chuyện mà bạn làm vào tháng 3 tháng 4, tháng 8 tháng 9 ắt sẽ cho ra đáp án. Do đó, để thành công và đạt được mức tài chính mà mình mong muốn, hãy chuẩn bị cho bản thân sức khoẻ dồi dào và lòng kiên trì, tinh thần kỷ luật với mục tiêu mình đặt ra.