Bên cạnh thông tin không minh bạch, tài chính chưa cho phép,… thì đây là những lý do bạn không mua bảo hiểm.
1. Mua theo xu hướng
Rất nhiều người mua bảo hiểm vì thấy lý do bạn bè mua, rủ rê rồi mua theo. Tuy nhiên, mua bảo hiểm cũng là một khoản đầu tư. Khoản đầu tư ấy chỉ có giá trị khi bạn hiểu đủ – đúng về những gì mình bỏ tiền ra.

Nhiều người mua sản phẩm có giá trị này để có cơ hội trải nghiệm những dịch vụ mà công ty bảo hiểm mang lại: Tiệc trà, buổi workshop hay quà tặng. Tuy nhiên, mục đích này đi quá xa với lợi ích thực sự của bảo hiểm mang lại.
2. Mua khi chưa thực sự cần thiết
Vũ trụ bảo hiểm rất đa dạng. Để xác định sản phẩm phù hợp, bạn phải thực sự xác định được nhu cầu của mình. Nếu bạn hoàn toàn “lạc lối” thì có thể tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ.
Bảo hiểm nhân thọ (thường duy trì từ 10-25 năm) là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện của một công ty hay tổ chức bảo hiểm, được thiết kế với các quyền lợi, điều khoản rõ ràng nhằm bảo vệ toàn diện chúng ta trước những biến cố sức khỏe hoặc các rủi ro về thân thể, tính mạng.
Các loại hình bảo hiểm nhân thọ phổ biến: Bảo hiểm trọn đời, Bảo hiểm tử kỳ, Bảo hiểm sinh kỳ, Bảo hiểm trả tiền định kỳ, Bảo hiểm hỗn hợp.
Bảo hiểm phi nhân thọ (thời hạn đóng phí 1-2 năm hoặc ngắn hơn) là bảo hiểm tự nguyện hướng tới con người và các đối tượng liên quan đến con người, như tai nạn, sức khỏe, hàng hóa,… nhằm đảm bảo cho các rủi ro đó.

Các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ phổ biến: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xe máy, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm rủi ro tài chính,….
Với các nhìn tổng quan này, bạn sẽ nhắm chừng được đâu là sản phẩm phù hợp. Như vậy, mỗi đồng tiền bỏ ra đều được tiêu đúng nơi, đúng chỗ.
3. Không nắm hết được quyền lợi
Bảo hiểm sẽ phát huy được giá trị khi bạn nắm được những quyền lợi mình có. Trong một số trường hợp, nhiều nhân viên bảo hiểm đã “phóng đại” những quyền lợi của hợp đồng. Việc “đánh bóng” này vô tình khiến chúng ta ảo tưởng những giá trị thật của khoản đầu tư.
Thực tế, bảo hiềm sẽ đền bù cho bạn một số tiền lớn, lên đến vài tỷ trong trường hợp tử vong hoặc gặp tai nạn mất khả năng lao động (một dạng sống không bằng chết). Bảo hiểm cũng chi trả những chi phí khám chữa bệnh và tất nhiên có điều kiện ràng buộc. Do đó, trước khi đặt bút xuống ký hợp hợp đồng bảo hiểm, hãy đảm bảo rằng mình đã hiểu hết những quyền lợi và cách để sử dụng những quyền lợi đó.
4. Mua gói bảo hiểm quá khả năng chi trả hằng năm
Để sở hữu sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, bạn chỉ cần bỏ ra vài trăm đến vài triệu. Còn số này sẽ nhiều hơn, từ mười mấy triệu đến vài trăm triệu cho bảo hiểm phi nhân thọ.
Lưu ý khi mua bảo hiểm nhân thọ, bạn cần xác định số tiền có thể dành cho bảo hiểm. Để tìm ra con số ấy, bạn có thể xem lại chi tiêu hằng tháng, trích từ mục tiết kiệm. Vì mức phí bảo hiểm nhân thọ là đóng mỗi năm nên cần tài chính ổn định để theo kịp hợp đồng. Nếu ngay từ đầu bạn đã chọn mua sản phẩm với con số quá lớn mà không dự trù được những năm sau, thì đến hạn đóng sau có thể khiến bạn rơi vào cảnh túng thiếu. Ngoài ra, việc đóng phí trễ sẽ khiến bạn bị huỷ hợp đồng; nghĩa là số tiền đóng trước đó sẽ bị bay màu.

5. Cho rằng bảo hiểm là kênh đầu tư sinh lời nhanh
Đây cũng là mánh khoé mà nhiều người sử dụng để dụ dỗ những “con mồi” mua bảo hiểm. Chiêu thức thường là đầu tư vào bảo hiểm là tiền lãi lên hơn 20%/ năm (so với các ngân hàng khác thì lãi dao động từ 5-7%/ năm).
Chúng ta cần nhớ rằng, mua bảo hiểm sinh lời là một dạng tích luỹ lâu dài. Việc này đòi hỏi bạn phải có tài chính vững chắc để đóng phí mỗi năm. Ngoài ra, để nhận được số tiền đầu tư của mình, bạn phải tích luỹ từ 5-10-15-20 năm. Còn đối với việc gửi ngân hàng lấy lãi, việc rút tiền sẽ dễ dàng hơn.

Do đó, nếu mua bảo hiểm để sinh lời nhanh thì bạn không nên đầu tư vào khoản này.
Mua bảo hiểm chưa bao giờ là quá sớm hay quá trễ. Tuy nhiên, đây được xem là một khoản đầu tư. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ và nắm rõ quyền lợi, cách thức hoạt động. Như vậy, sản phẩm ấy mới có thể phát huy được lợi ích.