Quản lý tài chính cá nhân có khó như bạn nghĩ?
Bạn Hồng 29 tuổi, độc thân, sống một mình ở Sài Gòn, là nhân viên văn phòng có mức lương hằng tháng là 17 triệu. Trước khi dịch Covid xuất hiện, với số tiền này, Hồng có một cuộc sống không quá nhiều lo lắng. Mỗi tháng cô chi 4 triệu để trả tiền thuê phòng trọ (bao gồm điện, nước, tiền mạng, phí dịch vụ). Phần còn lại, Hồng chi tiêu không kế hoạch, thường là cho việc ăn uống, vui chơi, mua sắm, xăng xe, du lịch,… Khoản lương trên vừa khít với những nhu cầu của Hồng, đôi khi cuối tháng không dư đồng nào.

Dịch Covid đến, thu nhập của Hồng có phần sa sút. Những khoản thưởng cũng không còn dồi dào. Một số vị trí của công ty còn đứng trước nguy cơ bị cắt giảm. Cô bắt đầu lo lắng cho công việc, cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống ít tốn kém hơn. Ngoài ra, khoản tiết kiệm ít ỏi không đủ trang trải cho 3 tháng kế tiếp nếu phải nghỉ việc. Chưa bao giờ tìm hiểu về tài chính, Hồng đã “cầu cứu” bạn mình để có lời khuyên hữu ích. Cô nàng cũng tự tìm tòi, học hỏi bí quyết từ sách vở. Đây là những cách quản lý tài chính mà Hồng tổng kết được:
1. Lên kế hoạch chi tiêu cho năm
Việc lên kế hoạch chi tiêu cho cả năm là điều Hồng chưa bao giờ thực hiện. Tuy nhiên, vì dòng đời đưa đẩy, cô bắt đầu ngồi xuống lập bản kế hoạch cho mình. Đầu tiên, Hồng viết ra mục tiêu tài chính của năm: Để dành được 50 triệu. Như vậy, mỗi tháng Hồng cần tiết kiệm hơn 4 triệu đồng (khoảng 23% thu nhập). Sau đó, cô bắt đầu bóc tách từng hạng mục để đạt con số mong ước:
- Tiền nhà: Khoản tiền cố định, không thể thay đổi
- Tiền ăn: cắt giảm bằng cách hạn chế uống trà sữa hay ra ngoài ăn uống
- Mua sắm: Suy nghĩ kỹ trước khi mua

Đối với những trường hợp bạn là trụ cột của gia đình, kế hoạch này sẽ có nhiều phần hơn. Cụ thể như: chi phí sinh hoạt mỗi ngày, học phí cho con, du lịch, mua sắm vật dụng cần thiết, đầu tư,… Bạn có thể dùng thang đo % để xác định số tiền cho từng hạng mục.
2. Lãi kép và đánh bại lạm phát
Lãi kép (còn gọi là lãi suất kép) được hiểu đơn giản là sau khi lấy lãi về, dồn vào tiền vốn, tiếp tục đưa tất cả số tiền đó tái tiết kiệm / đầu tư để lấy về lãi có giá trị cao hơn ở chu kỳ sau.

Sau khi tìm hiểu về lãi kép, Hồng nhanh chóng làm một bài toán:
Năm nay Hồng 29 tuổi, mỗi tháng bạn để dành được 1 triệu tiền nhàn rỗi. Hồng gửi góp 1 triệu / tháng vào tài khoản tiết kiệm Easy Saving tại VPBank. Hồng duy trì việc tiết kiệm hàng tháng đều đặn như vậy trong suốt 20 năm. Bằng việc tiết kiệm 1 triệu / tháng vào tài khoản Easy Saving, sau 20 năm Hồng sẽ có 498,412,096 đồng (gồm 240,000,000 tiền gốc và 258,412,096 tiền lãi).
Trước đây, Hồng cũng không có thói quen gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng theo lãi suất. Sau khi được phổ cập về lãi kép, cô bắt đầu tìm tòi về lãi suất cũng như lạm phát. Dựa vào những thông tin mình nghiên cứu, Hồng nhận ra mức lãi suất ờ từng ngân hàng khác nhau. Điều thú vị là ngân hàng càng lớn càng nổi tiếng thì lãi suất thấp. Trong khi đó, ngân hàng nhỏ lại có mức lãi suất cao hơn. Ngoài ra, Hồng cũng nhận ra rằng tiền sẽ ngày càng mất giá nếu lãi không vượt qua được lạm phát (mỗi năm khoảng 2-3%). Do đó, Hồng sẽ không tiết kiệm tiền bằng cách cất vào tủ. Thay vào đó, cô sẽ chọn cách gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn mức 2-3%.
3. Thu nhập thụ động hoặc giảm rủi ro tài chính
Khi đứng trước việc thu nhập có thể bị cắt giảm, Hồng nghĩ mình cần làm gì đó đề bù đắp khoản tiền ấy. Sau đó cô biết đến cụm từ Thu nhập thụ động.
3.1. Thu nhập thụ động:
Nói một cách dễ hiểu là khi bạn ngủ hay không làm gì, tiền vẫn đẻ ra tiền. Ví dụ như: cho thuê bất động sản, mua cổ phiếu, affiliate marketing, bán hình ảnh, kiếm tiền từ mạng xã hội,…
Với sở thích mua sắm của mình, Hồng chọn cách làm affiliate marketing cho các sàn thương mại điện tử. Cô thường đánh giá những sản phẩm của mình mua rồi đăng tải trên các mạng xã hội cá nhân của mình như Facebook, Instagram, Tiktok kèm dẫn link mua hàng. Với mỗi lượt nhấp vào link hay sản phẩm được bán ra, Hồng lại nhận được một khoản tiền nho nhỏ, dù không quá nhiều nhưng đủ để chi trả tiền ăn sáng hay cafe của cô nàng.
3.2. Giảm rủi ro tài chính:
Hồng nhận ra rằng dù lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm nhưng vẫn có nhiều trở ngại xuất hiện để cô không thể hoàn thành mục tiêu. Đây được xem là rủi ro tài chính cá nhân, làm giảm hay mất thu nhập. Ví dụ: cô có tiết kiệm bằng cách mua ngoại tệ và sau vài tháng thì giá trị ngoại tệ bị “rớt” khiến Hồng rơi mất một khoản tiền nhỏ.
Thực tế, những loại rủi ro đến từ những quyết định sai lầm, chưa tìm hiểu vấn đề kỹ. Để tránh trường hợp này, bạn cần đặt mức rủi ro giới hạn cho phép. Ví dụ, số tiền bị hao hụt bao nhiêu % thì ngay lập tức Hồng phải bán lại khoản tiền tệ đó để cắt lỗ (cut loss). Nếu muốn tiền tự ‘chảy’ vào ví mỗi tháng, đọc ngay 10 ý tưởng thu nhập thụ động giúp bạn quẳng gánh lo tiền bạc.
4. Theo dõi chi tiêu hằng ngày bằng ứng dụng
Trước đây, Hồng thường không có thói quen ghi chép lại những khoản tiền hằng ngày của mình. Cô cứ nghĩ chi vài chục nghìn cho một bữa ăn ly trà sữa không đáng là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo lời dặn dò của bạn bè, việc theo dõi chi tiêu bằng những ứng dụng như Money Lover, Spendee, Money Mate, Fast Budget,.. đã “giác ngộ” cô nhiều. Ví dụ:
Buổi sáng, cô sẽ bỏ ra khoảng 20K đồng để mua ổ bánh mì trước cổng công ty; trưa thì bỏ khoảng 60K đồng để đặt cơm trưa cùng đồng nghiệp; chiều thì tiện tay order ngay một ly trà sữa 50K đồng; tối đi ăn cùng bạn bè mất thêm 100K đồng. Tổng cộng, Hồng xài 230K đồng/ ngày riêng cho việc ăn uống; như vậy mỗi tháng mức này rơi vào hơn 6 triệu.
Nhờ vào việc theo dõi, Hồng nhận ra đã “nướng” hơn 35% thu nhập cho việc ăn uống. Hồng đã biết mình đã tiêu nhiều tiền vào đâu. Từ đó, cô cân đo lại những khoản chi tiêu hợp lý hơn.
- Chi phí cho nhà trọ (bao gồm điện, nước, các loại phí): 4 triệu
- Tiền ăn uống – Hồng cắt giảm việc uống trà sữa hay la cà quán xá mỗi ngày: 4 triệu
- Chi phí xăng xe đi lại và lặt vặt: 1 triệu
- Mua sắm – Hồng cho phép mình được mua sắm quần áo, mỹ phẩm tối đa: 2 triệu
Như vậy, Hồng còn dư 6 triệu đồng từ mức lương ban đầu. Với số tiền này, Hồng tiếp tục chia nhỏ lại:
- Gửi ngân hàng tiết kiệm: 2 triệu
- Quỹ dự phòng: 2 triệu
- Du lịch: 1 triệu
- Học tập và phát triển bản thân: 1 triệu

5. Sử dụng quy tắc quản lý tài chính
Với cách phân chia trên, Hồng đang chia nhỏ nguồn thu nhập của mình gần giống với nguyên tắc 6 chiếc lọ được giới thiệu bởi T.Harv Eker:
- Nhu cầu thiết yếu: 55%
- Đầu tư: 10%
- Tiết kiệm: 10%
- Hưởng thụ: 10%
- Giáo dục: 10%
- Từ thiện: 5%

Ngoài 6 chiếc lọ, nhiều người cũng đang áp dụng quy tắc 50-30-20 để quản lý dòng tiền của mình:
- 50% thu nhập dành cho các chi phí cố định: nhà cửa, ăn uống, đi lại.
- 30% thu nhập dành cho chi phí sinh hoạt: mua sắm, giải trí, chi phí phát sinh khác. Đây là những chi phí không cố định hằng tháng. Vì vậy bạn nên có thể cân nhắc giảm các chi phí này xuống mức thấp nhất có thể.
- 20% thu nhập để tiết kiệm: Đây là khoản tiền để dự phòng các rủi ro bất ngờ. Mức này bạn có thể tăng dần khi thu nhập tăng hoặc không sử dụng hết chi phí sinh hoạt.
6. Lập kế hoạch “xoá nợ”
Giải quyết khoản nợ là điều mà ai cũng nên làm để có một cuộc sống tự do về tài chính. Việc nợ nần khiến bạn áp lực để xoay sở trả tiền. Bởi vậy, nếu muốn tự do, ta phải thoát được nợ thì mới có thể ngẩng cao đầu.

Việc “xóa nợ” nên được lập kế hoạch bài bản, bắt đầu với những khoản nợ lớn trước. Sau đó, bạn cần giải quyết những khoản nợ tiếp theo trong danh sách. Kế hoạch lập ra không những giúp bạn trả được nợ mà còn làm tinh thần vui vẻ hơn.
7. Kỷ luật với chính mình
Kỷ luật chính là tự do đích thực. Tự do tài chính là một trong những từ khoá được tìm kiếm nhiều trong thời gian qua. Điều này dẫn đến nhiều bài việc, nhiều tips và lời khuyên được đưa ra để đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, chìa khoá then chốt trong việc quản lý tài chính cá nhân chính là kỷ luật.
Để áp dụng được cách quản lý tài chính và đạt được mục tiêu của mình, Hồng cần giữ cho mình một cái đầu lạnh, quản lý cảm xúc trước những cám dỗ mua sắm, sự phấn khích và nỗi buồn.
Có một sự thật thú vị rằng, tính kỷ luật của chúng ta được quyết định bởi gen. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể rèn luyện phần tính cách này bằng việc điều chỉnh thói quen trong một thời gian dài.
8. Tỉnh táo trước FOMO
FOMO là từ viết tắt của Fear Of Missing Out. Hiệu ứng tâm lý phổ biến mà chúng ta có cảm giác sợ rằng mình đang bỏ lỡ cơ hội. Hiểu theo nghĩa rộng ra, FOMO xuất hiện khi chúng ta bắt đầu so sánh bản thân với những người xung quanh, lo lắng khi đứng ngoài cuộc chơi,… Ví dụ cụ thể khác của hiệu ứng tâm lý này chính là việc mua sắm khi có những đợt giảm giá lớn dù bản thân vẫn chưa thực sự có nhu cầu.
Hồng nhận ra rằng, mình cũng là “nạn nhân” của FOMO. Hễ có chương trình sale và thấy mọi người rần rần mua sắm, Hồng cũng “tự ép” bạn thân phải chi tiền ngay. Thực tế, những chiêu thức quảng cáo hay PR của nhiều shop bán hàng, sàn thương mại điện tử đang lợi dụng hiệu ứng FOMO để khách hàng “chốt đơn” nhanh hơn. Việc nhìn thấy bạn bè mua sắm thôi cũng khiến chúng ta đứng ngồi không yên.
Do đó, bạn cần tỉnh táo và kỷ luật trong trường hợp này. Hiểu rõ mong muốn của bản thân, không để cảm xúc mua sắm bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh sẽ giúp bạn quản lý “tiền trong túi mình” tốt hơn.
9. Luôn dành một phần tiền cho bản thân
Trước khi biết đến quản lý tài chính cá nhân, Hồng thường có thói quen sau khi nhận lương là trả tín dụng, tiền thuê nhà và vay mượn, còn dư bao nhiêu là để tiêu xài. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu tiết kiệm, Hồng sẽ chuyển ngay khoản tiền như đã cam kết với chính mình vào tài khoản tiết kiệm. Tiếp đó, cô mới bắt đầu trả những khoản còn lại. Dần dà, số tiền để dành ngày một tăng lên, Hồng cũng không rơi vào trạng thái “rỗng túi” mỗi cuối tháng.
10. Tỉnh táo với những cám dỗ
“Mình có thực sự cần món đồ này không? Tại sao mình cần món đồ này? Nếu không có món đồ này thì liệu vài tuần nữa cuộc sống mình có ổn không?”. Đó là câu thần chú mà Hồng lặp đi lặp lại khi đứng trước cám dỗ mua sắm. Lần lượt trả lời những câu hỏi trên, Hồng đã phần nào kiểm soát được thói quen mua sắm của mình bằng lý trí thay vì sự phấn khích, tâm trạng lúc bấy giờ.
Ngoài ra, cô cũng tự đặt ra giới hạn khi đứng trước những cuộc vui. Trước đây, Hồng có thể đi ra ngoài ăn uống với bạn bè đến 4-5 lần. Bây giờ cô cắt giảm chỉ 1-2 lần.
11. Mua bảo hiểm
Trong một lần phải mổ ruột thừa, Hồng phải chi trả một khoản tiền cho cuộc tiểu phẫu. Đây cũng là giây phút mà Hồng nhận ra rằng việc điều trị hay nằm viện có thể “đốt cháy” số tiền tiết kiệm của mình. Để giải được bài toàn này, cô đã tham khảo ý kiến của bạn bè thì đáp án chính là mua bảo hiểm sức khoẻ. Xem 7 kế để cắt giảm chi phí khám chữa bệnh tại đây.
Để có được một sản phẩm bảo hiểm phù hợp, Hồng chi cần bỏ ra một ít tiền nhưng lại nhận được khoản bồi thường lớn. Cụ thể như tổng chi phí điều trị ruột thừa là 6 triệu (chi phí phẫu thật là 4 triệu, chi phí nằm viện 2 triệu).
Nếu Hồng mua gói bảo hiểm sức khoẻ nâng cao của Bảo Minh có mức giá 1,5 triệu thì:
- Căn cứ bảng tỷ lệ phẫu thuật: mổ ruột thừa hỗ trợ 12%-15% trên cơ sở bảo hiểm. Hồng sẽ được nhận hỗ trợ tiền phẫu thuật là 12 triệu. Trường hợp chi trả thêm 3 triệu nếu vết mổ bị viêm gây biến chứng, hay gây ra hậu quả khác. Tuy nhiên chi phí thực tế phẫu thuật chỉ có 4 triệu nên Bảo Minh chỉ trả 4 triệu).
- Tiền nằm viện: tối đa 500k/ngày
- Mất giảm thu nhập (từ ngày thứ 3): 200K/ ngày *2= 400K
Tổng số tiền Bảo Minh chi trả 6,4 triệu
Như Warren Buffett từng nói: “Hôm nay ai đó có thể ngồi trong bóng râm vì người đó đã trồng cây từ rất lâu rồi”. Việc quản lý tài chính cá nhân cũng giống vậy, đòi hỏi một thời gian dài, kỷ luật tuân theo những quy tắc đề bạn thực sự thấy kết quả. Và thời điểm tốt nhất để bắt tay vào quản lý dòng tiền của mình, chính là ngay bây giờ.