20 năm là quãng thời gian bảo hiểm chính thức hình thành và phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, bảo hiểm vẫn chưa chinh phục được lòng tin của người dân. Nghe đến bảo hiểm nhân thọ là nhiều người lắc đầu từ chối không mua; tệ hơn là cảm thấy bị lừa đảo. Vậy tại sao người Việt chưa có niềm tin vào dòng sản phẩm này?
1. Thông tin về sản phẩm khó hiểu
Bảo hiểm bao gồm rất nhiều thông tin, điều khoản phức tạp, vốn đã khá lằng nhằng và khó hiểu. Với hơn 2 thập kỷ, ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt nam còn rất non trẻ so với lịch sử 400 năm của thế giới, nên việc tư vấn làm còn chưa chuẩn, khiến người dân chưa hiểu biết sâu về ý nghĩa và cách vận hành của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài ra, những thông tin trên hợp đồng bảo hiểm thường sử dụng nhiều từ chuyên môn, từ nhiều tầng nghĩa,… Thật lòng, khó ai có thể hiểu rõ tường tận chỉ qua một lần đọc. Để hiểu hơn những thông tin quan trọng, người mua thường nhờ cậy và đặt niềm tin vào các tư vấn bảo hiểm. Trong quá trình diễn giải này, đôi lúc một số thông tin thường bị truyền đạt nhầm ý, dẫn đến khách hàng hiểu sai, hiểu chưa sâu, chưa đúng.
Vì vậy, với tâm lý sợ “tiền mất tật mang” còn bị cho là “khờ khạo, dễ tin người”,… nhiều người chọn cách an toàn là tránh xa, được chia sẻ nhiều để hiểu hơn thì càng thấy sợ “tốt như vậy chắc chắn chỉ có nói quá lên, mình tham gia chưa chắc đã được lợi như vậy”. Sở hữu bảo hiểm nhân thọ: Xu hướng dự phòng tài chính mới trong năm 2021.
2. Nhận thức về bảo hiểm còn thấp, lợi ích bảo hiểm thì vô hình
Thời hạn của một hợp đồng bảo hiểm là từ 10 đến 15 năm – một quãng thời gian khá dài. Vì tính dài hạn của sản phẩm, cho đến nay khách hàng vẫn chưa được chứng kiến nhiều “quả ngọt”. Tâm lý khách hàng rất thực tế; những khoản đầu tư mà hiệu quả chưa nhìn thấy được đương nhiên sẽ có sự cân nhắc. 5 nhóm người cần mua bảo hiểm.
Đó là lý do vì sao người ta sẵn sàng bỏ ra 30,000 đồng mỗi ngày để mua 3 tờ vé số. Việc trúng vé số độc đắc vẫn diễn ra hàng ngày mà họ mắt thấy, tai nghe và có thể đặt niềm tin được, chứ không phải bỏ tiền mua bảo hiểm nhân thọ và rồi cảm thấy những lợi ích tương lai là vô hình, không chắc chắn.
3. Thông tin giữa các tư vấn viên không thống nhất
Chuyên viên tư chính là người kết nối nhu cầu bảo vệ của khách hàng với nhà bảo hiểm. Họ là vị đại sứ của công ty; cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng, tư vấn cho khách hàng thấy rõ những giá trị mà sản phẩm bảo hiểm mang lại là bảo vệ tài chính cho khách hàng trước mọi rủi ro về tai nạn, bệnh tật và tuổi già.

Nhiều trường hợp thông tin mà các tư vấn viên cung cấp không đồng nhất với nhau. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân; nhìn chung sẽ khiến cho khách hàng cảm thấy bối rối, không biết nên nghe và tin ai.
4. Cảm thấy việc nhận lại tiền khó khăn
Những năm gần đây, nhận thức về bảo hiểm của người dân đã được cải thiện đáng kể. Dù vậy, không ít người vẫn do dự trước quyết định tham gia vì tâm lý “gửi tiền vào thì dễ, nhận tiền bồi thường thì khó”.
Khi có vấn đề phát sinh, khách hàng cảm thấy rất khó khăn để đòi quyền lợi theo hợp đồng. Có người phải khiếu nại, có người phải kiện ra tòa để đòi bồi thường.
5. Công tác chăm sóc khách hàng còn nhiều bất cập
Việc chăm sóc khách hàng sau bán hàng của các công ty bảo hiểm ở Việt Nam còn hạn chế. Trước khi bán được hợp đồng, công ty thường tổ chức hội thảo, tặng quà, chiêu đãi tiệc; nhân viên tư vấn thì ân cần hỏi thăm và đến nhà để tư vấn cho khách hàng… Nhưng khác với các ngân hàng, khách hàng tiền gửi luôn được chăm sóc chu đáo, khách hàng của công ty bảo hiểm khi đã ký hợp đồng thì như “cá đã cắn câu”. Sau khi khách hàng đã ký hợp đồng, rất ít nhân viên tư vấn giữ mối liên hệ tốt với khách hàng. Phần lớn các công ty bảo hiểm vẫn mải mê kiếm tìm khách hàng mới mà quên đi khách hàng hiện hữu.
Đã đến lúc các công ty bảo hiểm cần có một “cuộc cách mạng” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên, chăm sóc khách hàng để giúp tháo gỡ những khúc mắc, hiểu lầm của khách hàng về bảo hiểm.