1.  
  2. Hợp đồng bảo hiểm trùng

Article Body Image 1

Theo khoản 1, điều 44, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, “Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm”. Điều này có nghĩa là một khách hàng có thể sở hữu đồng thời hai hay nhiều bảo hiểm trở lên cho cùng một đối tượng tài sản, hoặc trách nhiệm dân sự mà không áp dụng với hợp đồng bảo hiểm có đối tượng là con người. 

Ví dụ: Bạn đang sở hữu Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe của PTI với số tiền bảo hiểm là 800 triệu đồng. Sau đó, bạn mua thêm Bảo hiểm Thiệt hại vật chất xe ô tô của một công ty bảo hiểm khác với số tiền bảo hiểm cũng là 800 triệu đồng. Như vậy, bạn đã mua bảo hiểm trùng cho chiếc xe của mình. Tuy nhiên cần lưu ý, khi tham gia bảo hiểm trùng, bạn vẫn nhận được bồi thường từ các công ty bảo hiểm nhưng tổng số tiền bồi thường của cả 2 công ty bảo hiểm đều sẽ không được vượt quá mức thiệt hại của bạn (theo khoản 2 điều 49 Luật kinh doanh Bảo hiểm 2022).

2. Thời Gian Chờ

Article Body Image 2

Rất nhiều khách hàng hoàn toàn không biết thuật ngữ "Thời gian chờ" trong bảo hiểm. Thực tế, không phải đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm xong là bạn sẽ nhận được đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm được cam kết mà còn tùy thuộc vào thời gian chờ của mỗi loại bảo hiểm. Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, "Thời gian chờ có nghĩa là thời gian mà các quyền lợi bảo hiểm có liên quan không được chi trả bảo hiểm mặc dù sự kiện bảo hiểm xảy ra, thường áp dụng cho bảo hiểm ốm đau, thai sản". 

Lấy ví dụ, một khách hàng chọn mua Bảo hiểm sức khỏe cá nhân của Bảo Minh, thời gian chờ của bảo hiểm này là: 0 ngày với sự kiện tai nạn, 30 ngày với điều trị do ốm đau, bệnh tật thông thường, điều trị răng, 90 ngày với điều trị biến chứng thai sản, 270 ngày với sinh đẻ và 365 ngày với tử vong, điều trị do bệnh đặc biệt và bệnh có sẵn. Nếu khách hàng này mua bảo hiểm xong, tới ngày 271 khách hàng sinh em bé thì chắc chắn sẽ nhận được khoản bảo hiểm hỗ trợ vì đáp ứng đúng điều kiện của thời gian chờ. Tuy nhiên, nếu khách hàng sinh sớm hơn, vào ngày thứ 269, thì họ sẽ không được nhận bảo hiểm hỗ trợ. Do đó, hãy chắc chắn bạn được tư vấn kỹ càng về điều khoản này cũng như kiểm tra kỹ trong hợp đồng trước khi đặt bút ký hợp đồng. 

3. Số tiền bảo hiểm

Article Body Image 3

Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, số tiền bảo hiểm được định nghĩa khác nhau dựa trên các loại bảo hiểm khác nhau, cụ thể như sau:

  • Đối với bảo hiểm trách nhiệm: là số tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

  • Đối với bảo hiểm con người: là số tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

  • Đối với bảo hiểm tài sản: có thể là số tiền bảo hiểm dưới giá trị, hoặc có thể là giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm và/hoặc tại thời điểm xét bồi thường, cộng chi phí vận chuyển, thuế hải quan, phí bảo hiểm và lãi hợp lý.

Lấy ví dụ một khách hàng mua Bảo hiểm tai nạn cá nhân của PVI có phí bảo hiểm là 600 ngàn đồng/năm và có số tiền bảo hiểm lên tới 106 triệu đồng, nghĩa là trong trường hợp rủi ro xảy ra, số tiền bồi thường cao nhất mà khách hàng này được chi trả sẽ lên tới 106 triệu đồng.

Trong một quy tắc bảo hiểm bất kỳ đều sẽ có những thuật ngữ bảo hiểm trên. Việc hiểu rõ các thuật ngữ này không chỉ giúp cho khách hàng có thể nắm rõ các quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm mà còn giúp khách hàng chọn được chính xác bảo hiểm thích hợp cho bản thân. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng mình đã được tư vấn đầy đủ các điều khoản cũng như được xem kỹ các điều khoản này trong hợp đồng trước khi quyết định ký hợp đồng bảo hiểm nhé!

Trân trọng,

Đội ngũ IZIon24.