Bệnh trầm cảm (Depression), là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Bệnh được chia làm nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào triệu chứng và thời gian nhận biết. Cùng IZIon24 tìm hiểu 9 dấu hiệu trầm cảm phổ biến để kịp thời cải thiện và ngăn ngừa bệnh tiến triển nhé!
1. Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm là bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Người bệnh thường có tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc. Trầm cảm ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ, hành xử của người bệnh, khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hay các vấn đề về thể chất và tinh thần.
2. Dấu hiệu phổ biến và các mức độ trầm cảm
Tổ chức Y tế Thế giới thống kê cứ 20 người sẽ có 1 người từng trải qua giai đoạn trầm cảm.
Bệnh trầm cảm biểu hiện bằng các triệu chứng sau đây:
-
Thường xuyên có tâm trạng chán nản, bi quan, mất hết niềm tin trong cuộc sống.
-
Mất hứng thú với công việc, các hoạt động, sở thích cá nhân.
-
Mất cảm giác ngon miệng, gầy sút cân, hoặc một số ít có biểu hiện tăng cân.
-
Rối loạn giấc ngủ.
-
Biểu hiện sinh lý : nhức đầu, mỏi vai gáy...
-
Mệt mỏi, giảm tập trung, giảm sút năng lượng.
-
Có cảm giác bất lực, tội lỗi quá mức, tự thấy bản thân kém cỏi.
-
Cảm giác lo lắng vô cớ, dễ nổi giận hoặc ít giao tiếp với những người xung quanh…
-
Thường xuyên có suy nghĩ về cái chết, ý định tự tử. Cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát.
Dựa vào các dấu hiệu trên, người ta chia trầm cảm thành các mức độ bệnh như sau:
-
Triệu chứng dưới ngưỡng trầm cảm: có ít hơn 5 dấu hiệu kể trên.
-
Trầm cảm nhẹ: có hơn 5 triệu chứng trầm cảm, các triệu chứng làm suy giảm chức năng nhẹ.
-
Trầm cảm vừa phải: các triệu chứng trầm cảm có ảnh hưởng đến chức năng cơ thể nhẹ hoặc nặng.
-
Trầm cảm nặng: có hầu hết tất cả các triệu chứng trầm cảm, ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động, đời sống, công việc, học tập và sức khỏe.
Tuy nhiên, để kết luận chính xác bạn có đang bị trầm cảm hay không, hãy tới kiểm tra và và nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên môn.
3. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh trầm cảm
Thiền định là phương pháp thư giãn đơn giản, giúp cơ thể thoải mái.
Thử tham khảo vài gợi ý của IZIon24 để phòng ngừa căn bệnh đáng sợ này nhé:
-
Chia sẻ suy nghĩ, tâm sự với bạn bè, người thân: không chỉ giúp bạn cảm thấy nhẹ lòng hơn, mà họ còn có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích cho vấn đề bạn gặp phải.
-
Tăng cường hoạt động thể dục, thể thao: khi vận động con người tiết ra hormone endorphin tốt cho thể chất và dopamine, serotonin khiến tâm trạng hào hứng, vui vẻ.
-
Tập thiền định: thiền định là phương pháp thư giãn đơn giản, bằng cách tập trung vào nhịp thở giúp cơ thể thoải mái hơn, nhờ đó não bộ cũng giảm đi không ít căng thẳng, tạo cảm giác dễ chịu.
-
Tạo thói quen viết nhật ký: giúp giảm hoạt động của não bộ ở vùng hạch hạnh nhân (vùng chịu trách nhiệm phân tích và phản hồi cảm xúc hoang mang, lo lắng, sợ hãi).
-
Cải thiện chất lượng giấc ngủ: luôn đảm bảo giấc ngủ kéo dài 7 - 8 giờ để giúp cơ thể hồi phục hiệu quả, đẩy lùi những suy nghĩ lo âu, căng thẳng.
-
Lắng nghe từ bác sĩ tâm lý: nếu nhận thấy những dấu hiệu đang ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bạn, hãy tìm đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn và thăm khám, điều trị hiệu quả.
Trầm cảm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hãy chung tay cùng IZIon24 đẩy lùi căn bệnh này nhé!
Trân trọng,
Đội ngũ IZIon24.