Bạn bè xa cách vài năm, tự nhiên gọi điện rủ uống cà phê là phần trăm cao ra mời mua bảo hiểm. Liệu tất cả bảo hiểm có đáng sợ như bạn nghĩ?
Trong mắt mọi người, bảo hiểm thường bị gắn những mác lừa đảo, phí tiền,… Tuy nhiên, nếu “soi kỹ” những điều sau, bạn sẽ thấy khoản đầu tư này không hề vô ích như bạn nghĩ.
Bảo hiểm sức khoẻ có thực sự cần thiết
Thử suy nghĩ nhé, hai trong những nỗi sợ của con người là mất tiền và mất sức khoẻ. Để tránh mất tiền, chúng ta phải lập quỹ tài chính cho riêng mình, lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và tăng nguồn thu nhập. Còn với sức khoẻ, chúng ta phải ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý cũng như từ bỏ những thói quen có hại.
Trên thực tế, dù chuẩn bị kỹ tới đâu, chúng ta vẫn có thể mất khả năng lao động sau một vụ tai nạn (như xe tông, thiên tai, dịch bệnh) hay mắc bệnh hiểm nghèo. Tại thời điểm này, nếu số tiền tiết kiệm không đủ, chính chúng ta sẽ là gánh nặng của gia đình. Đặc biệt, một khi đã bước chân vào bệnh viện thì tiền sẽ đi theo dạng “đốt”.
Như vậy, bạn đã trả lời được câu hỏi bảo hiểm sức khoẻ có thực sự cần thiết không.
Khi mua bảo hiểm cần lưu ý những điều gì?
Quyền lợi bảo hiểm là gì?
Nhiều người sau khi ký xong hợp đồng bảo hiểm, cũng không biết thực sự quyền lợi của mình là gì. Họ thường nghe phong thanh: “À tầm 10-20 năm nữa có khoản tiền kha khá, rút ra rồi đi chơi, du lịch.”
Thực tế, các nhân viên thường đề cập đến một con số lớn, lên đến vài trăm triệu đến vài tỷ, đây gọi là mệnh giá bảo vệ. Số tiền này bạn sẽ được nhận khi tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn (như kiểu sống không bằng chết).
Còn khoản tiền bạn nhận được sau 10-20 năm là khoản tiền bạn đóng mỗi năm cho các công ty bảo hiểm. Số tiền này thường ngang bằng với tổng tiền bạn bỏ ra để mua và đóng phí.
Thế nào là bảo lãnh viện phí?
Chị Quỳnh mua gói bảo hiểm sức khoẻ của công ty A. Vừa rồi, chị phải điều trị cái chân đau của mình tại bệnh viện. Để công ty bảo hiểm chi trả lại chi phí khám chữa bệnh của mình, chị Quỳnh phải điền một núi thông tin. Tính chị cũng không kỹ lưỡng, thiếu này thiếu nọ nên phía bảo hiểm chưa đồng ý bồi thường. Chị Quỳnh bực dọc, quay sang nói công ty bảo hiểm lừa đảo.
Trường hợp của chị Quỳnh là không hiếm. Do đó, các công ty bảo hiểm đã phát triển chính sách bảo lãnh viện phí; như vậy, phía bảo hiểm sẽ chi trả trực tiếp một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh bằng việc liên kết với mạng lưới bệnh viện. Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, bạn nên chú ý đến mục này để biết bệnh viện nào đang liên kết với công ty bảo hiểm mình sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, danh sách liên kết này cũng thường xuyên thay đổi, bạn cần lên website hoặc nhân viên bán bảo hiểm để cập nhật thông tin chính xác.
Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đã đủ bảo vệ bạn? Xem tại đây.
Khi nào cần quyền lợi mở rộng?
Hãy tưởng tượng ly trà sữa là gói bảo hiểm mua, bạn muốn có thêm topping là trân châu để uống ngon hơn thì trân châu chính là gói bảo hiểm mở rộng. Đã là trân châu thì có nhiều loại, nhiều hương vị màu sắc khác nhau, quan trọng khẩu vị của bạn là gì đề chọn cho đúng.
Sau khi mua một gói bảo hiểm sức khoẻ, bạn có thể tiếp tục mua thêm những gói bảo hiểm nhỏ khác để có quyền lợi mở rộng. Để trả lời cho câu hỏi khi nào cần quyền lợi mở rộng, chúng ta phải hiểu rõ từng gói bảo hiểm nhỏ mua thêm:
Thẻ bảo hiểm điều trị ngoại trú do ốm đau, bệnh tật, tai nạn. Với dòng sản phẩm này, công ty bảo hiểm sẽ chi chi phí y tế phát sinh điều trị ngoại trú do ốm đau, bệnh tật, tai nạn bao gồm cả biến chứng thai sản trong thời hạn bảo hiểm.
Bẫy bảo hiểm – Điều khoản loại trừ và thời gian chờ
Một trong những lý do khiến bảo hiểm mang tiếng oan lừa đảo chính là chi tiết điều kiện loại trừ và thời gian chờ. Đây cũng là lỗi của tư vấn viên vì không giải thích rõ quy trình, hứa hẹn nhiều khiến khách hàng có nhiều niềm tin rồi sau đó kết quả không như ý muốn.
Đầu tiên, bạn cần biết rằng, tất cả hợp đồng bảo hiểm điều khoản loại trừ, tức với một số khách hàng và trường hợp, phía bảo hiểm sẽ không bồi thường hay đền khi có vấn đề xảy ra. Ví dụ, những đối tượng loại trừ của bảo hiểm tai nạn:
- Người được bảo hiểm tham gia các hoạt động thể thao chuyên nghiệp hoặc các hoạt động thể thao nguy hiểm,
- Người có tiểu sử tâm thần, thần kinh, phong cùi, ung thư
- Người bị thương tật vĩnh viễn từ 50% trở lên
Ngoài ra, thời gian chờ để bảo hiểm có hiệu lực cũng là yếu tố cần được chú ý. Chẳng hạn với gói bảo hiểm sức khỏe của Bảo Minh, bảo hiểm có hiệu lực ngay sau khi người được bảo hiểm đóng phí đầy đủ. Sau 30 ngày đóng phí xong, bảo hiểm sẽ có hiệu lực cho các vấn đề ốm đau, bệnh tật, thai sản,…
Những lưu ý khi tham gia bảo hiểm
Đóng phí đúng hạn
Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, bạn sẽ phải đóng phí hằng năm. Nếu không đóng phí đúng hạn, hợp đồng của bạn sẽ mất hiệu lực và khoản tiền tích luỹ những năm trước cũng không thể về túi mình.
Cân nhắc tình hình tài chính
Khi mua bảo hiểm, bạn nên cân nhắc gói bảo hiểm phù hợp, tránh việc mua gói quá cao những năm đầu rồi lại khó khăn trong việc đóng phí những năm sau. Những “rổ giữ tiền” nào nên cân nhắc trong hiện tại?
Nắm hết những quyền lợi mình có
Việc nắm hết những quyền lợi mình được nhận sẽ giúp bận tận dụng tối đa những lợi ích của bảo hiểm. Chẳng hạn như bảo hiểm sức khỏe, bạn cần hiểu mình sẽ được chi trả những khoản chi phí nào khi khám chữa bệnh.
Các yếu tố cần có khi yêu cầu bồi thường bảo hiểm
Không ít trường hợp gặp khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Trước khi đặt bút ký hợp đồng, bạn nên làm rõ những giấy tờ cần thiết, quy trình nhận bồi thường. Với một số loại bảo hiểm, giấy tờ khá rườm rà và liên đới với bên thứ ba, dẫn đến việc xác minh thông tin cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, cũng có một số loại bảo hiểm chỉ cần những giấy tờ đơn giản là đã nhận được khoản bồi thường.
Bảo hiểm không đáng sợ, điều đáng sợ chính là việc chúng ta mua bảo hiểm nhưng không nắm hết quyền lợi, nguyên tắc và các vận hành. Do đó, trước khi “xuống tiền” để mua bảo hiểm, bạn nên dành thời gian tìm hiểu kỹ, chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.